Tổng Hợp Các Bí Kíp Phân Biệt Sổ Hồng Thật Giả

Thư viện pháp luật

Lượt xem: 3246 17/06/2020

PHÂN BIỆT SỔ HỒNG THẬT GIẢ

Bất động sản là tài sản có giá trị cao nên thiệt hại mang lại khi gặp cú lừa là vô cùng lớn. Đặc biệt, trong tình trạng hiện nay, kĩ thuật số kĩ thuật in ấn ngày càng phát triển, giấy tờ nhà đất được làm giả cũng tinh vi hơn. Việc phân biệt sổ hồng thật hay sổ hồng giả bằng mắt thường cũng gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Vì vậy, người mua cần đề cao cảnh giác, thận trọng xem xét trước khi kí kết hợp đồng.

Đất nền khu Đông đã tổng hợp các bí kíp đơn giản trong bài viết dưới đây, hãy cùng tham khảo nhé.

 

I- KẾT CẤU CƠ BẢN CỦA SỔ HỒNG

Sổ hồng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Sổ được Bộ Tài nguyên và Môi Trường phát hành theo một mẫu thống nhất và áp dụng trên phạm vi cả nước với tất cả các loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sổ hồng là một tờ giấy gồm có 04 trang, mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm, có nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen, gồm các nội dung sau đây:

Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận gồm 2 chữ cái tiếng Việt và 6 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trang 1 của sổ hồng (Trang bìa).

Trang 2 in chữ màu đen gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó, có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.

Trang 3 in chữ màu đen gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.

Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; những vấn đề cần lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.

Riêng Trang bổ sung (nền trắng) của Sổ in chữ màu đen gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.

 

II- CÁC CÁCH PHÂN BIỆT SỔ HỒNG THẬT GIẢ

1- KIỂM TRA CHẤT LIỆU SỔ HỒNG

– Kiểm tra bằng kính lúp: Các họa tiết, hoa văn trên sổ hồng thật được in bằng phương pháp offset đồng nhất và sắc nét trên cùng 1 chi tiết. Do đó, khi soi kính lúp sẽ thấy chi tiết là tổ hợp cấc chấm màu hồng. Còn đối với sổ hồng giả, do kỹ thuật in không tốt nên chi tiết in không rõ ràng, sắc nét và trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau.

Sổ hồng thật: Chi tiết hoa văn trên sổ hồng thật sắc nét.

 

Sổ hồng giả: Chi tiết không sắc nét, hạt mực trên cùng chi tiết có màu sắc khác nhau.

– Kiểm tra bằng đèn pin hoặc nguồn sáng khác: Kiểm tra dấu đóng ở trang 1 (bìa sổ) ở góc phải dưới cuối trang, đóng chồng lên số phát hành sổ hồng. Dùng nguồn sáng, chiếu góc xiên 10° – 20° so với mặt giấy sẽ thấy được 2 điều: số hiệu được in ở giữa dấu tròn và nội dung của dấu tròn rõ ràng và lồi lên do sử dụng phương pháp in typo. Còn sổ hồng giả thì mã số hiệu bị in lệch sang 1 bên và các chi tiết lõm xuống, nội dung nhòe.

Sổ hồng thật: Dấu đóng có chi tiết rõ ràng và lồi.

 

Sỏ hồng giả: Dấu đóng có chi tiết lõm và nhòe.

– Kiểm tra các vị trí dễ bị tẩy xóa cơ học:

♦ Số sổ.

♦ Số vào sổ quyết định.

♦ Loại đất.

♦ Thời hạn.

♦ Hình thức sử dụng.

♦ Diện tích (bằng số, bằng chữ).

Riêng các sổ hồng có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích…). Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.

 

2- KIỂM TRA THÔNG TIN TRÊN SỔ HỒNG

– Ghi đúng thông tin theo cách ghi của quy định của pháp luật (nếu cần biết rõ thì hỏi thêm để biết). Hiện nay pháp luật đã quy định rất rõ về cách ghi thông tin liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất ;

(Có thể xem thêm Thông tư Số: 17/2009/TT-BTNMT)

– Nội dung ghi phải rõ ràng, không bị tẩy xóa, không bị vỡ chữ, nhàu chữ, sai chữ, sửa chữ hoặc có tác động ngoại lực làm ảnh hưởng đến nội dung của chữ được in, được ghi trên Giấy;

– Màu chữ, màu mực, hình dáng con dấu, độ đậm nhạt của con dấu, không bị tẩy xóa, chèn lấn, viết đè chữ mà không có đính chính cụ thể cho việc đó…

 

3- KIỂM TRA TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

– Nếu có thể, bạn mang Giấy chứng nhận đến Văn phòng Đăng ký đất đai để kiểm tra. Việc tra cứu thật giả của một thửa đất hoặc một căn nhà sẽ là công việc vô cùng đơn giản đối với các chuyên viên tại đây. Tuy nhiên, cách này tốn thời gian và một khoản chi phí.

– Ngoài ra, các Văn phòng công chứng hiện nay đang sử dụng chung phần mềm UCHI – phần mềm quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn, cho phép người dùng tra cứu thông tin toàn bộ dữ liệu ngăn chặn và hợp đồng công chứng đã được đồng bộ lên hệ thống. Công chứng viên dễ dàng tìm kiếm được thông tin về giao dịch chuyển nhượng liên quan đến thửa đất, căn nhà được xác định trên giấy đó (tránh rủi ro khi mua phải tài sản chuyển nhượng qua nhiều lần, nhiều chủ rồi) và tra cứu được thông tin thật, giả của sổ hồng.

 

IV- KIỂM TRA Ở CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CHỨC NĂNG GIÁM ĐỊNH

– Khi đã thực các cách trên nhưng vẫn không an tâm, hãy tìm những người có đủ thẩm quyền, chức năng, có chuyên môn để nhận biết về tính thật, giả của loại giấy đó thông qua việc: xem xét màu mực, màu chữ, thông tin, loại giấy,….Họ sẽ là những giám định viên, tổ chức giám định đủ chức năng giám định loại giấy mà bạn cung cấp và cho bạn một kết luận hợp lý.

– Khi tìm đến những tổ chức, cá nhân này, bạn sẽ phải chịu một khoản chi phí để họ thực hiện nghiệp vụ.

– Hiện nay khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, có những tờ giấy giả giống y như tờ giấy thật, không thể tự mình phân biệt nổi, thậm chí có những Công chứng viên hoặc Văn phòng công chứng lâu năm với nhiều kinh nghiệm cũng khó khăn khi phân biệt được nó. Lúc này, bạn phải cần tìm đến các tổ chức giám định. Dù giống y như đúc thỉ Giả sẽ không bao giờ giống được 100 % với Thật.

 

III – LỜI KHUYÊN ĐỂ PHÒNG TRÁNH RỦI RO

– Khi giao dịch mua bán, bạn cần xem xét thật kỹ các giấy tờ liên quan, đặc biệt là Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liên trên đất. Nếu chỉ xem qua loa, sau này gặp rủi ro mua phải căn nhà, mảnh đất đã được bán qua tay nhiều người hoặc mua qua sổ giả bị người ta lừa mất tiền.

– Bạn cần phải có sự chắc chắn về tính thật, giả của Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì mới quyết định. Trong trường hợp để xác thực, bạn cần đến trực tiếp vị trí nhà hoặc đất được cấp sổ hồng xem. Ngoài ra bạn cũng cần xem thêm các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân người bán để củng cố thêm niềm tin.

– Bên cạnh đó, có thể với Văn phòng đăng ký đất đai để có niềm tin cao nhất khi giao dịch bất động sản, qua đây bạn sẽ có cơ sở xác minh những băn khoăn, lo lắng của bạn. Tất nhiên sẽ phải chịu mất ít chi phí để nhận sự hỗ trợ của các chuyên viên, nhân viên tại Văn phòng. Nhưng chi phí đó bỏ ra cũng xứng đáng vì nó giúp bạn giảm bớt rủi ro “tiền mất tật mang”.

 

Xem thêm: Các bẫy bất động sản chắc chắn ai cũng gặp 1 lần khi mua bán

 

Đừng bỏ lỡ thông tin !
Cùng các nhà đầu tư bất động sản, nhận những thông tin mới nhất của thị trường được gửi qua email hàng tuần.
Bất động sản liên quan
Dự án đang bán

Tính Xây Dựng

Tính toán chi phí xây dựng dựa trên các thông tin về diện tích, móng, mái, số tầng cần xây.

Phong thủy xem hướng nhà

Chọn hướng nhà phù hợp để đón vượng khí